Đăng ngày: 15:50 21-11-2010
Thư mục: Tổng hợp
Lời của con
100 ngày...
100 ngày bố xa con. Đối với con, 100 là con số đẹp, tròn trĩnh, viên mãn, thế mà giờ đây con lại dùng nó để đo sự mất mát...
Đã 100 ngày, gia đình mình chỉ còn lại ba mẹ con con.
Đã 100 ngày, con không được nghe tiếng cười giòn tan của bố, không được ăn cùng bố, không được nằm cạnh bố, không được vòng tay ôm cái bụng to tròn của bố...
Đã 100 ngày, nước mắt ru giấc ngủ con mỗi đêm.
Đã 100 ngày, con biết thế nào là cảm giác mất đi người thân, mất mãi mãi.
Con vẫn thường nghe người ta nói sẽ đau lắm, nhưng thật tình con chẳng cảm thấy đau, hay là chẳng thể đau nổi nữa. Chỉ cảm giác như hẫng đi, chênh vênh, như một phần thân thể mình tự nhiên biến mất vào hư vô, mình vẫn tồn tại ở đó nhưng không đủ đầy và vẹn nguyên!
Nói như trong phim The curious case of Benjamin Button (Dị nhân Benjamin): “Con sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra với mình” hay như trong Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn): “Con sẽ chẳng hiểu được mất mát là gì cho đến khi con trải nghiệm nó”, con thật sự chưa bao giờ nghĩ cuộc đời lại buộc con trải nghiệm sự mất mát sớm như vậy. Một trải nghiệm đắng lòng!
Con vẫn nhớ mãi lần cuối cùng bố cười với con.
Con vẫn nhớ mãi bữa cơm cuối cùng con ngồi cạnh bố.
Con vẫn nhớ mãi lần cuối cùng bố gọi điện cho con.
Con vẫn nhớ mãi tin nhắn cuối cùng bố gửi cho con.
Con vẫn nhớ mãi cái áo cuối cùng bố mua cho con, con đã nói “Con không thích màu tím, sến lắm” nhưng giờ đối với con nó là cả một gia tài.
Con vẫn nhớ mãi lần cuối cùng bố la con. Nếu biết trước, thay vì xị mặt xuống, con sẽ cười thật tươi rồi chạy lại ôm bố thật chặt.
Con vẫn nhớ mãi lần cuối cùng bố nắm tay con, thật chặt và ấm, khác xa khi người ta đưa bố về, tay bố cứng đờ, lạnh buốt, con nắm mãi mà chẳng ấm lại được!
Mỗi khi có chuyện gì đó con vẫn thường cằn nhằn bố “con đã nói bố rồi mà” thì bố luôn đáp lại bằng cách cười hì hì. Và trăm ngàn lần con ước gì đêm đó khi con cằn nhằn như vậy, bố lại cười với con, chỉ một lần thôi, một lần thôi!
Để rồi cuộc sống cứ thế tiếp tục, để bố thấy con mặc lễ phục tốt nghiệp, để bố dắt tay con trong ngày cưới, để bố đặt tên cho con của con, để mỗi lần con vấp ngã sẽ có một nơi con chạy về mà khóc lóc than thở, để con không hoang mang, không tủi thân, không chơi vơi như những ngày qua...
Con yêu bố nhiều, bố ơi!
NGUYỄN TRẦN NGỰ UYỂN
( Báo Tuổi Trẻ )
Anh em mình , đứa 9 tuổi, đứa 4 tuổi thì Ba hy sinh trong một cuộc phục kích của lính Mỹ. Tối hôm đó, 26 háng Chạp Âm lịch (năm 1965), các cô, chú mai táng cho Ba với 4 tấm liếp ( ở Quảng Nam dùng để phơi thuốc rê mới thái nhỏ còn tươi). Hai anh em mình không được đến để nhìn Ba lần cuối, bởi sau khi rút về đồn, lính Mỹ tiếp tục cho bắn pháo chụp...
Cho đến năm 1972, một lần nữa, lính Mỹ lại cày bằng phần mộ của Ba và nhiều người khác tại Nghĩa trang của thôn tại quê mình. Mãi đến tháng 7 năm nay, nhờ các nhà ngọai cảm mình mới tìm được mộ Ba để đưa vào Nghĩa trang Liệt sỹ của xã. Bạn ạ, có người nói rằng, khi một người qua đời, nếu có con cái, thì người ấy vẫn đang sống, và hiện hữu trong con cái của họ. Ba bạn đang ở trong bạn đó.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')