/* Hỗ trợ phân trang */

11 thg 12, 2012

HIỂU THÊM VỀ NHÀ THƠ HỮU LOAN (st)



Hữu Loan - cây gỗ vuông màu tím
TT - Nhà thơ Hữu Loan - tác giả của bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim - đã qua đời tại nhà riêng ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn, Thanh Hóa) vào lúc 19g ngày 18-3, hưởng thọ 95 tuổi.

 Nhà thơ Hữu Loan - Ảnh: Duy Anh
Ông là một nhà thơ đích thực của nền thơ hiện đại VN. Ðích thực bởi thơ. Chỉ bằng hai bài Màu tím hoa sim và Ðèo Cả, Hữu Loan đã ghi danh mình cho thơ Việt ở sự riêng tư và mới mẻ.


Màu tím hoa sim là tiếng khóc của người chồng cho người vợ xấu số, là một tiếng kêu cho tình yêu trong thời đạn lửa, là lời phẫn uất trước số mệnh phũ phàng của con người.


Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
.
Tiếng thơ ấy đã lập tức đồng vọng và lan xa trong lòng bao người, dẫu ở một thời chiến tranh bắt con người phải nén nỗi đau riêng, vùi chôn tâm trạng cá nhân để ra trận và cầm súng, bởi vì đó là tiếng thổn thức thắt nghẹn của con tim. Ðèo Cả hào hùng, hào sảng tinh thần của một thế hệ dấn thân cho vận nước trong hình ảnh những chiến binh như trượng phu ngang tàng giữa núi rừng, chấp mọi hiểm nguy, đùa cùng gian nan.


Sau mỗi lần thắng
Những người trấn đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng
ăn nheo mắt
Người vá áo
thiếu kim
mài sắt
Người đập mảnh chai
vểnh cằm
cạo râu
Suối mang bóng người
soi
những
về đâu?

Hai bài thơ khắc ghi dấu ấn rất riêng của Hữu Loan vào một thời thơ. Thơ, chứ không phải cái gì khác, đã làm nên Hữu Loan, đã vinh danh ông. Những nhát thơ Hữu Loan đục vào thời gian, đục vào tâm khảm, để lại dấu tích không phai.
Ông đã sống một cuộc đời dài, thật dài, mà những khổ nạn, thử thách chỉ càng làm bền thêm trong ông những lựa chọn ban đầu khi làm cách mạng và làm thơ. Bỏ phố thị thủ đô về lại quê hương, tự tay vỡ đất vỡ đá lầm lụi tháng ngày nuôi vợ con, nuôi mình chống chọi với cuộc sống thiếu thốn vất vả và nhiều chướng ngại, nhưng ông không nề hà, nản chí.
Hữu Loan là một con người cương cường. Ai đã một lần gặp ông, nhìn ngắm khuôn mặt ông, nhất là đôi mắt, và nghe giọng ông nói đều có thể cảm nhận đây là một con người không chịu gục ngã trước thử thách. Trời đã cho ông sức khỏe và ý chí để thọ cao đến vậy sau bao khổ nhọc chồng chất. Nhưng tôi tin trời thương ông nên đã ban thơ cho ông để ông sống được là mình như vậy. Ông tự gọi mình là cây gỗ vuông:
Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đờiÐã làm thất bại âm mưu
đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn long lóc
thế nào
thì lăn lóc.
Chân lý đấy
hỡi
rìu
bào
phó mộc
.
Nhà ông, trên bàn thờ chỉ để một chữ "tâm".
Tôi đã thấy chữ "tâm" đó mỗi lần bước vào nhà ông ở một vùng quê xứ Thanh. Lần gần đây nhất là trước Tết dương lịch 2010 mấy ngày. Khi ấy ông đã yếu nhiều, giọng thều thào, nhưng cũng như bao lần có khách đến thăm yêu cầu, ông vẫn cất giọng đọc thơ. Ðọc hai bài Màu tím hoa sim và Hoa lúa. Một bài cho người vợ đầu xấu số mất sớm khiến ông đau xót khôn nguôi hơn 60 năm qua. Một bài cho người vợ sau gắn bó hơn nửa đời người cùng ông trải bao hoạn nạn đắng cay, sinh cho ông mười người con, giữ cho ông tinh thần phải sống.
Giọng ông lúc khỏe nghe rõ ràng, khúc chiết, sai một chữ một từ là ông sửa lại ngay. Lúc yếu, giọng nghe không rõ, nhưng vẫn thấy tỏa ra trong giọng đọc đó tình cảm sâu nặng sắt son của ông dành cho hai người phụ nữ đã làm nên đời ông - đời một con người và đời một nhà thơ.
Thơ ông đã nằm lòng bao nhiêu độc giả hàng chục năm qua. Không chỉ là một, hai bài đã nổi tiếng, mà còn những bài khác được truyền tụng. Như bài Tình thủ đô, mới được nhà thơ Dương Tường và nhà văn Mạc Lân khôi phục mấy năm trước. Như bài Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn năm 1956:
Một đám tang đã diễu hành
Một đám tang cờ đỏ liệm quan tài
Nấc lên mầu huyết
Một đám tang đi
Không
bao
giờ
tới
huyệt.


Từ thơ, có thêm một màu là màu tím Hữu Loan. Cây gỗ vuông màu tím - đó chính là chân dung Hữu Loan đời và thơ.

(Sài Gòn 19-3-2010)PHẠM XUÂN NGUYÊN

Người thơ bận việc làm người
Ông là nhà thơ đàn anh, người đồng hương xứ Thanh của tôi, nơi nổi tiếng "địa linh, nhân kiệt". Ông cũng thuộc loại "nhân kiệt", không chỉ là "hào kiệt" mà còn là "cùng kiệt", một thường dân kiệt quệ theo nghĩa đen.

Hồi còn ở quê, Ðò Lèn, huyện Hà Trung, giáp với huyện Nga Sơn quê ông, tôi chỉ biết ông qua lời đồn và giai thoại. Cha tôi từng đẩy xe thồ suốt những năm 1960, từng quen biết với ông Tú Loan - tức nhà thơ Hữu Loan một thời. Có lần cha tôi hỏi: "Mày đi học có biết thơ của ông xe thồ này không?". Tôi nói không (nhà trường hồi đó không dạy thơ Hữu Loan).
Cha tôi nói ông Tú Loan hay chữ lắm, đỗ tú tài Tây, làm quan cách mạng thời khởi nghĩa bốn lăm, thời kháng chiến chống Pháp, làm thơ nổi tiếng, nhưng rồi chỉ vì cái tính ngang tàng, ngang bướng mà bỏ về làm dân đen, đi thồ đá, thồ dưa, thồ chiếu, đủ thứ... Cho đến đầu thập niên 1970, sau mấy năm làm lính, khi theo học khoa văn Ðại học Tổng hợp Hà Nội, tôi mới được đọc thơ Hữu Loan.
Rồi gần 20 năm sau tôi mới được gặp ông...
TP.HCM, một ngày thu năm 1988. Tôi đang điều hành cuộc họp cơ quan thường trú của báo Văn Nghệ, tại trụ sở 43 Ðồng Khởi, chợt có người đến tìm gặp, xưng là nhà thơ Hữu Loan, từ quê vào. Lật đật chạy xuống phòng khách, tôi thấy một ông già hom hem, râu tóc lam nham, áo quần xốc xếch, hao hao giống thi sĩ Bùi Giáng, ngồi co một cẳng lên ghế. Cái cách đó đích thị Hữu Loan rồi, theo hình dung của tôi.
Tôi ôm chầm lấy ông như người quen thân lâu ngày chưa gặp. Ông nói tuy chưa gặp tôi nhưng có đọc thơ tôi và rất vui mừng vì xứ Thanh bây giờ có "đứa" làm thơ được như vậy. Ông có người con đang làm thợ ở Ðồng Nai, vào thăm con, rồi đạp xe đi lang thang thăm những ai mà ông muốn gặp...
Tôi xin ông ngồi uống trà, chờ cho tôi kết thúc cuộc họp trong chốc lát nữa. Chừng 15 phút sau, tôi trở lại phòng khách cơ quan, thấy lão thi sĩ đang nằm thẳng cẳng trên ghế xalông, đầu gối lên cái cặp giả da to đùng, ngáy ngon lành. Chiếc xe đạp lấm láp của ông dựng giữa phòng khách và cạnh đó có đôi dép nhựa sứt quai.
Tôi gọi cho mấy người bạn văn nghệ, những người sùng bái thơ Hữu Loan. Chúng tôi quyết định đãi ông một bữa trưa sao cho ông thích thú. Một bữa tiệc "hùng vĩ" - như cách gọi của ông. Tiếp đến tiệc trà. Chúng tôi ngẩn ngơ nghe ông đọc thơ vanh vách, giọng sang sảng. Một bữa tiệc thơ "dữ dội", những Ðèo Cả, Màu tím hoa sim, Hoa lúa, Trung đoàn đi qua...
Hữu Loan kể vắn tắt về những năm tháng ông sống, cả trong kháng chiến, sau hòa bình và nhất là thời gian cực kỳ gian nan, lận đận ở chính quê nhà, sau khi ông bỏ Hà Nội về làng. Một cuộc đời thật ngang tàng, ngang trái mà cũng thật hiên ngang. Một cuộc đời tất tả, bận rộn. Chúng tôi hỏi, ông bận việc gì nhất? Ông thản nhiên trả lời: "Bận việc làm người"...
Sau này, tôi đã mấy lần về thăm ông tại làng quê ông. Chuyện đời, chuyện thơ dài lắm, nhưng lần gặp đầu tiên năm 1988 ấy vẫn để lại trong tôi những ấn tượng mạnh nhất về ông. Cũng sau lần gặp đó, tôi có làm bài thơ bốn câu tặng ông mà đến nay mới có dịp chép lại:
Thơ tặng cụ Tú Loan
Ngang tàng... ngang trái... nghênh ngangHồn sim tím một chiều hoang bên đờiNgười thơ bận việc làm ngườiMột mai thánh hóa lên trời làm sao
(TP.HCM, 19-3-2010)NGUYỄN DUY






Những bài báo
01.10.2012
Huyền Viêm
Vài mẩu chuyện về nhà thơ Hữu Loan
         Hữu Loan là tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim” viết năm 1949. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại Thanh Hóa. Nhà nghèo, nhưng chăm học nên ông cũng đỗ được bằng Tú tài I thời Pháp thuộc.


         Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, trong phong trào Mặt trận Bình dân. Cách mạng tháng tám thành công, ông làm Ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa. Từ những ngày đầu kháng chiến, ông phụ trách tờ báo “Chiến sĩ” của Quân khu 4. Năm 1948 ông làm Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn 304 đóng ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 1954, tiếp quản thủ đô ông được mời ra làm trong ban biên tập báo Văn nghệ. Năm 1956 ông gia nhập nhóm Nhân văn Giai phẩm.


*  ĐƯỢC  TIN  VỢ  MẤT,  LÀM  THƠ


Theo nhà thơ Vũ Cao – tác giả bài thơ Núi đôi nổi tiếng - thì năm 1948, ông và Hữu Loan cùng làm báo Chiến sĩ ở Quân khu bốn. Một hôm hai người cùng ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, Hữu Loan đột ngột báo cho ông biết cô Lê Đỗ Thị Ninh vừa mới mất. Bàn tay Hữu Loan cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung tóe xuống bàn, mặt ông tái xanh. Và sau này, ở Việt Bắc, Vũ Cao mới được nghe:


                              Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc


                              Biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng.


Câu thơ thật như cuộc đời có thật.


Hữu Loan âm thầm ôm nỗi đau ấy sang năm 1949, khi vào Nghệ An chỉnh huấn mới được viết thành thơ. Bài thơ được viết trong hai tiếng đồng hồ vào một buổi trưa vắng, không phải sửa chữa gì. Bài thơ viết ra rồi cất trong ngăn kéo chứ không dám phổ biến vì thời ấy là thời chiến tranh ác liệt, người chiến sĩ phải nén tình thương, dồn hết tâm sức cho cuộc kháng chiến.


Một hôm Hữu Loan đi vắng, Vũ Tiến Đức, biên tập viên cũ của ông ở báoChiến Sĩ, tình cờ thấy bài thơ, bèn cầm về đọc cho bà Ngọc Chất – mẹ Lê Đỗ Thị Ninh – nghe, sau đó là bè bạn rồi nhanh chóng được lan truyền rộng rãi vì thơ hay. Năm 1956 Nguyễn Bính đăng bài thơ ấy trên tờ báo Trăm Hoa ở Hà Nội mà tác giả không hề hay biết. Một lần nữa, bài thơ được phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay.


         HỮU  LOAN  LÀM  CÂU  ĐỐI  VIẾNG NHẠC MẪU


         Khoảng năm 1937-1938 Hữu Loan làm gia sư tại nhà ông Lê Đỗ Kỳ, sau này ông là đại biểu quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vợ ông Kỳ là bà Đới thị Ngọc Chất rất thương yêu Hữu Loan, nhận Loan làm con nuôi và gả con gái yêu là Lê Đỗ Thị Ninh cho ông. Cô này chết đuối năm 1948 khiến ông xúc động làm bài thơ “Màu tím hoa sim”. Bà Ngọc Chất cưu mang Hữu Loan suốt đời, ngay cả sau khi con gái mình đã mất. Hữu Loan cũng rất quí mến bà, xem bà như mẹ đẻ vì bà là người hiểu mình nhất, có thể coi như tri kỷ mặc dù lúc trẻ tính ông ngông ngạo khác thường.


         Lúc bà mất, gia đình bối rối lo việc tang ma nên không điện cho ông về kịp. Khi ông hay tin, vội vã về đến nơi thì bà đã mồ yên mả đẹp. Ông thương xót vô cùng và trách móc mọi người quá vô tình đối với ông, coi ông như người ngoài khi cô Ninh – vợ ông – không còn nữa. Thật ra không phải như thế.


         Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn nhạc mẫu, ông tự tay viết đôi câu đối dán lên bàn thờ của bà. Đôi câu đối như sau:


         “Rể khôn đền, phận gái ngắn sao đền, ơn cứu, ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách,


         Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc người, khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương”.


* HỮU LOAN  VỚI  HỘI  NHÀ  VĂN  VIỆT  NAM


Hữu Loan là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng ông đã ngưng sinh hoạt Hội  từ năm 1958. Kỳ đại hội Hội nhà văn lần thứ tư, ông cũng ra Hà Nội. Nhiều bạn quen hỏi ông có phải ra để dự đại hội không, ông chỉ cười. Họ hỏi thế vì thấy Hoàng Cầm, Trần Dần, Hoàng Yến, Lê Đạt, Phùng Quán, Phan Vũ… cũng bỏ sinh hoạt như ông nhưng nay đã về dự đại hội. Thì ra những người này trước đó đã gửi thư yêu cầu đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn và Ban Chấp hành xét cho sinh hoạt trở lại.


Còn Hữu Loan lúc ra Hà Nội mải lo đi chơi với các bạn thơ nên không gửi thư cho Ban Chấp hành, vì thế mà không có giấy mời. Ban Chấp hành biết chuyện ấy nhưng đại hội sắp gần kề, ban trù bị bận trăm công nghìn việc nên không thể giải quyết hội tịch cho ông, nhất là ông chưa có thư yêu cầu.


           Hữu Loan bèn viết thư nêu thắc mắc và trách Ban Chấp hành. Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn cho người đến giải thích và nói với ông rằng sau đại hội, ông cứ viết thư yêu cầu thì sẽ được sinh hoạt trở lại thôi. Người này cũng thay mặt Ban Chấp hành mời ông đến dự đại hội như một khách mời, nhưng Hữu Loan trả lời rằng có mời ông với tư cách hội viên sáng lập thì ông dự, còn khách mời thì không.


         Nhưng Ban Chấp hành cũng phải giữ những nguyên tắc của Hội, không làm khác được, vì thế Hữu Loan không đến dự đại hội.


         Sau khi họp xong, có người bạn thân đến thăm ông, nói cho ông biết thiện ý của Ban Chấp hành, những nguyên tắc mà Ban Chấp hành phải tuân theo và sự quí mến của anh em đối với ông, ông liền hết giận và viết thư yêu cầu được sinh hoạt trở lại. Lẽ tất nhiên đề nghị của ông được chấp thuận ngay bởi vì ông là hội viên sáng lập.


           *  TÍNH  CÁCH  CỦA  HỮU  LOAN


Nhà thơ Vũ Cao – tác giả bài thơ “Núi Đôi” nổi tiếng -  kể rằng:


“Tôi gặp Hữu Loan từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Anh phụ trách tờ báo ‘Chiến sĩ” của Quân khu bốn, còn Nguyễn Đình Tiên và tôi lo bài vở. Hồi đó chưa có những chức danh Tổng biên tập, Biên tập viên như bây giờ, cần việc gì thì chúng tôi cứ phân nhau mà làm. Hữu Loan là một tính cách đặc biệt, rất mạnh mẽ nhưng cũng rất đa cảm. Anh dễ rơi nước mắt trước một cảnh khổ cực, nhưng cũng dễ giận dữ trước những điều làm anh bất bình. Có lần anh quát Nguyễn Đình Tiên khiến Tiên phải bỏ chạy ra bờ sông Lam. Và cũng có lần anh quát tôi suốt buổi khiến tôi mất ăn một bữa. Nhưng Tiên và tôi không bao giờ oán trách anh, phần vì  anh lớn tuổi hơn bọn tôi, phần vì chúng tôi hiểu anh chỉ nóng nảy lúc đó, sau lại cười vui, độ lượng. Nhưng chúng tôi không sống chung với anh được lâu. Sau đại hội văn nghệ toàn quân lần thứ nhất, Tiên và tôi lên Việt Bắc, còn anh ở lại quân khu”.


Theo nhà thơ Vũ Cao thì Hữu Loan viết những câu mà ông nhớ mãi:


                             Gió rét cắn người nghèo như chó dữ”


              hay:      “ Nửa đời không vợ con”


Phần lớn những suy tư của Hữu Loan vẫn dành cho con người, cảnh vật và cuộc sống ở nông thôn. Tả mối tình của cô thôn nữ, ông viết:


                           Người trai quê biết đâu  


                           Những đêm dài em khóc



                           Đầy như tiếng mưa,


                           Câm như bồ thóc


                           Trăm năm dù lỗi hẹn hò….


                                                                          (Hoa lúa – 1955)


Và mối tình quân dân đẹp biết bao:


                           Thương chiếc áo xanh


                           Rách lâu chưa vá


                           Tay em quê mùa vụng đường kim chỉ,



                           Lần đầu tiên em vá áo đàn ông.


Rồi người chiến sĩ ra đi để lại bao bâng khuâng nhung nhớ:


                           Em hỏi bâng quơ


                                        hai bên láng giềng:


                           -“Bộ đội về đâu


                                        đi từ nửa đêm?”


(Những làng đi qua – 1950)


              


*  HỮU  LOAN  BỊ  NGỰA  CHƠI  XỎ


          Năm 1946, có dịp vào miền Trung, Hữu Loan choáng ngợp trước cảnh hùng vĩ của Đèo Cả. Ông có bài thơ “Đèo Cả” rất nổi tiếng. Đèo Cả ở miền Đại Lãnh, phía Đông Nam Tuy Hòa là nơi giáp giới của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, hồi đó rất hiểm trở, đi lại khó khăn lắm.


         Hữu Loan cho biết chuyến đi vào Đèo Cả năm ấy (1946) là lúc Nam bộ đã kháng chiến rồi nhưng chiến tranh chưa lan ra toàn quốc. Giặc Pháp rập rình ở bên kia Khánh Hòa, còn Đèo Cả thì do Vệ quốc quân và dân quân trấn giữ. Hoang vu lắm, sốt rét đến kinh khủng, lại đói nữa, rất đói, cứ có gì ăn nấy:


          Nhà văn Ngô văn Phú kể:“ Dạo ấy Hữu Loan làm báo “Chiến sĩ”, được một người bạn là Thu Sơn, Trung đoàn trưởng trung đoàn 79, cấp ngựa cho đi đến Đèo Cả. Nhưng ngựa thuần thì người ta dùng hết cả rồi, chỉ còn  một con ngựa đực rất dữ. Hữu Loan vốn cũng có máu tráng sĩ nên nhận cưỡi con ngựa ấy.


         Vừa ra khỏi thị xã Phú Yên, gặp mấy ả ngựa cái, chú ngựa đực bắt đầu phá bĩnh, Hữu Loan cố sức kiềm chế và thúc ngựa đi được, nhưng bị ngựa trả thù. Nó cứ nhè gốc cây mà cà người cưỡi vào. Phải thật nhanh chứ không thì bị nó xô ngã như chơi. Một lần nó đã chơi xỏ được nhà thơ. Nó tông Hữu Loan vào một cành cây. Áo móc vào cành nhọn, treo người Hữu Loan lơ lửng ngang vách đá, nhưng “tráng sĩ” đã nhanh nhẹn đu cành mà gỡ ra được. Hú vía”.


       *   HỮU  LOAN    TƯỚNG  NGUYỄN  SƠN            


         Theo nhà văn Đào Bích Nguyên thì tướng Nguyễn Sơn rất mến anh em văn nghệ khu bốn. Chính nhờ ông giúp đỡ mà văn nghệ sĩ khu bốn làm được nhiều việc và trở thành một lực lượng mạnh chẳng kém gì các địa phương khác như khu ba, Việt Bắc, khu năm và Nam bộ.


         Sau này ông đi Trung quốc để sang giúp Bắc Triều Tiên đánh Mỹ, anh em văn nghệ sĩ cứ tiếc mãi. Có lần Đào Bích Nguyên hỏi Hữu Loan:


           - Có phải Thiếu tướng Nguyễn Sơn thấy bài thơ “Màu tím hoa sim” của anh có những câu làm nhụt chí chiến đấu nên không cho phổ biến?            


      Hữu Loan đáp:


         - Làm gì có chuyện ấy ! Chỉ vì tôi thấy việc khóc vợ nó riêng quá, in ra lại đau cho mình nên không in thôi. Sau này, đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp mới in.


         Đào Bích Nguyên kể:


         - Tướng Nguyễn Sơn rất quí Hữu Loan vì một lần có mấy tay thầy dùi nịnh ông, đề nghị viết một cuốn sách về cuộc đời hoạt động của ông. Ông cũng thích và bảo cứ viết. Khi viết xong, ông bảo họ đưa cho Hữu Loan đọc và duyệt hộ. Hữu Loan đem sách trả cho tướng Nguyễn Sơn và thẳng thắn nói:


- Tôi không nhận đọc cuốn sách của anh đâu !


-  Sao vậy?


-  Tôi thấy không nên in.


         Tướng Nguyễn Sơn khó chịu, nhíu đôi lông mày:


         - Thì mình đi hoạt động cách mạng, có gì viết nấy. Chúng nó đặt tên mình là “Sa-pa-ép” Việt Nam chứ mình có dám nhận đâu.


         Hữu Loan nói:


         - Còn thiếu gì lúc viết, nhưng bây giờ thì chưa nên vì còn đang thời kỳ kháng chiến.


         Nguyễn Sơn im lặng, không nói gì. Ít lâu sau , ông được lệnh sang Trung quốc, bàn giao quân khu lại cho người khác. Hôm ấy Hữu Loan đang ghé vào một hàng phở ngon là “Phở Tàu Bay” ở Hậu Hiên, ăn xong sắp trả tiền thì tướng Nguyễn Sơn đến. Ông liền níu Hữu Loan lại:


         - Hãy ngồi xuống đây đã! Anh em đã chuyển đến địa điểm mới rồi, sao Hữu Loan chưa đi?


- Vì tôi rất nhớ anh.


         - Tôi cũng vậy. Tôi phục anh lắm! Hồi ấy nếu không nghe anh mà cho in ra cái quyển sách ấy thì bây giờ có khi lại điều nọ tiếng kia, phiền phức biết bao!


         Hữu Loan không nói gì. Nguyễn Sơn siết chặt tay Hữu Loan rồi từ biệt.


                            *  DỊCH THƠ CHỮ HÁN – GỌI KIỀU LÀ EM


Hữu Loan rất thích dịch thơ Đường, nhưng dịch rất ít, chỉ bài nào thích ông mới dịch, mà dịch rất ngông. Hiện nay còn lưu lại mấy bản dịch của ông như bài Đề động Từ Thức của Lê Quí Đôn, Thu hứng của Đỗ Phủ và Vịnh Kiều của Phạm Quí Thích. Vịnh Kiều   một bài thơ rất nổi tiếng:


                              Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường,


                              Bán thế yên hoa trái vị thường.


                              Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc,


                              Băng taâm tự khả đối Kim lang.


                              Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu,


                              Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.


                              Nhất phiến tài tình  thiên cổ lụy,


                              Tân thanh đáo để vị thùy thương.


                                                                                          PHẠM QUÍ THÍCH


                                          


                                                      


                                                      


                                                      


                          


                          


                          


                          


                                                                           


            Tác giả tự dịch, một bản dịch rất hay:


                                          Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,


                                          Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan.


                                          Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,


                                            Gót ngọc khôn đành chốn thủy quan.


                                          Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp.


                                          Một dây bạc mệnh dứt cầm loan.


                                          Cho hay những kẻ tài tình lắm


                                          Trời bắt làm gương để thế gian.


            Hữu Loan chưa hài lòng với câu cuối bản dịch. Ông nói:“Tân thanh đáo để vị thùy thương mà Truyện Kiều để lại đến nay, rốt cuộc thì thương ai? Thương Nguyễn Du hay thương nàng Kiều? Hay thương cả hai? Và ông dịch bài thơ ấy rất ngông như sau:


                                          Giai nhân há phải đến sông Tiền,


                                          Nửa kiếp khói hoa nợ chửa đền.


                                          Mặt ngọc nhẽ đâu dìm nước vạn (*),


                                          Lòng băng há phụ nghĩa chàng Kim.


                                          Đoạn trường  tỉnh giấc, căn duyên hết,


                                          Bạc mệnh im đàn rú hận lên.


                                          Một mảnh tài tình thiên cổ lụy,


                                          Khúc này đứt ruột phải vì em.


Rồi ông nói: Mình là con cháu Nguyễn Du mà gọi Kiều bằng em kể cũng thú vị đấy chứ!





 HV. Tổng hợp từ tư liệu của Ngô Văn Phú, Vũ Cao, Nguyễn Sĩ Đạt và Đào Bích Nguyên.


              _____


              (*) Vạn: là vạn chài, làng đánh cá.





TÁC GIẢ “MÀU TÍM HOA SIM”  ĐÃ VỀ VỚI CÕI THƠ


Thế là tác giả “Màu tím hoa sim” đã rời cõi tạm để về với cõi thơ. Nhà thơ Việt Nam nổi tiếng thì nhiều, nhưng được yêu quí như Hữu Loan thì rất hiếm. Ông được yêu quí vì hai lẽ: thơ rất hay và tính rất khí khái, kiên cường mặc dù trải qua biết bao gian nan cơ cực của cuộc đời.


Bài thơ “Màu tím hoa sim” đi sâu vào lòng người vì mối tình tha thiết và cũng vì cái tính chân thật trong thơ:


 Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại


 Lấy chồng đời chiến chinh


 Mấy người đi trở lại


 Nhỡ khi mình không về


 thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê.


Và còn gì chân thật hơn:


   Nhưng không chết người trai khói lửa


                           Mà chết người gái nhỏ hậu phương


                           Tôi về không gặp nàng


                           Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối


                           Chiếc bình hoa ngày cưới


                           thành bình hương tàn lạnh vây quanh” (1949).


Trong chiến tranh, thơ Hữu Loan mạnh mẽ, hào sảng như một bài tráng ca khi ông tả cái dáng cao vút của Đèo Cả  đứng giữa mây trời mù sương:


 Đèo Cả! Đèo Cả!


 Núi cao ngút


 Mây trời Ai Lao


 Sầu đại dương


 Dặm về heo hút


 Đá Bia mù sương.


              Cuộc sống của người lính ở đây chẳng những vất vả gian lao mà còn nguy hiểm nữa:


                                      Tóc râu trùm vai rộng


                                       Không nhận ra người làng


                                       Rau khe cơm vắt


                                       Áo phai màu sa trường


                                       Ngày thâu vượn hú


                                       Đêm canh gặp hùm lang thang.


Và nếp sinh hoạt đáng yêu của người lính sau mỗi lần thắng trận:


 Sau mỗi lần thắng


 Những người lính Đèo Cả


 về bên suối đánh cờ


 Người hái cam rừng ăn nheo mắt


 Người vá áo thiếu kim mài sắt


 Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu…


  (Đèo Cả -1946).


Cuộc sống thiếu thốn kham khổ là thế mà vui biết bao.


Xuân Diệu rất khắt khe khi khen thơ người khác, thế mà ông viết về bài thơ này như sau:“Tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu “Đèo Cả”. Một Đỗ Phủ của thời mới đã gọi cái đèo chênh vênh ấy, đứng trong đất nước ta, đứng giữa Phú Yên với Khánh Hòa, mà lại hóa thành heo hút quá. Vì bên này là ta, bên kia là giặc (Pháp). Nhất là khi chiến tranh chưa lan ra toàn quốc, từ Bắc bộ đi suốt vào Đèo Cả, lên Đèo Cả thấy bên kia giặc rắc tai ương. Đèo Cả biên thùy, đứng trên đầu bể thẳm đụng tới mây cao, Đèo Cả treo giữa biên thùy mà cái đẹp trầm hùng ngang với lòng chiến sĩ…” (Báo Văn Nghệ Việt Bắc số 7, tháng 12-1948).


Thơ tình cảm của Hữu Loan không nhiều, nhưng bài nào cũng chan chứa cảm tình hoặc xót xa cho số phận như trong bài “Hoa lúa”:


“Em là gái đồng xanh, tóc dài vương hoa lúa


 Đôi mắt em mang chân trời cũ giếng ngọt cây đa


 …Quê hương ta ơi! Từ nay rồi càng đẹp


 Tình đôi ta ơi! Từ nay rồi càng sâu


 Ta đi đầu sát bên đầu


 Mắt em thăm thẳm đựng mầu trời quê… (1955).


Người lính hành quân qua biết bao làng xóm, tới đâu cũng có những mối tình, những mối tình đẹp như hoa cau, hương bưởi dù biết là sẽ không đi đến một kết thúc có hậu nào:


Có người trai ruộng cày


 tòng quân đi giết Tây


 Có o gái dịu dàng


 Như lúa đang con gái


 Một ngày trú quân trong làng nhỏ


 người lính giết Tây


 gặp o thôn nữ


 gánh lúa về làng


 Đường tím hoa mua.


 Nàng thương người lính nên:


Thương chiếc áo xanh


 Rách lâu chưa vá


 Tay em quê mùa vụng đường kim chỉ


 Lần đầu tiên em vá áo đàn ông… .        


Thế rồi họ xa nhau:


Nửa đêm hành quân


 Hai người không gặp nhau


 Và trong làng nhỏ


 Nhà em trưa vắng ngõ


 Đường mưa dài như tháng bảy mưa ngâu


 (Những làng đi qua – 1950).


Người lính đến tá túc nơi nào thì gây được cảm tình với người dân nơi ấy nên khi họ ra đi thì lưu lại biết bao cảm tình thương mến. Sau một đêm liên hoan, ngày mai bộ đội lên đường:


Đoàn lính lên đường nối tiếp nhau


 Vang vang kèn lệnh dội bên cầu


 Trông theo bụi cuốn vàng lưng ngựa


 Làng xóm quê mùa nếp váy nâu.


Khi người lính đi rồi thì mẹ thấy nhà sao rộng quá, nền đất cũng lạnh hơn và đôi mắt mẹ dõi theo những đứa con một đi không hẹn ngày trở lại:


Chiều xuống nhà sao rộng quá chừng


 Nền cao đất trắng lạnh bàn chân


 Người đi gối súng dài đêm lạ


 Mắt mẹ xa vời bóng xám sân.


                                                                                  (Phương gió – 1949)


Hữu Loan là thế, tình cảm thì thiết tha, ý chí thì cứng cỏi, tất cả đã làm nên một Hữu Loan sừng sững như cây thông trước phong ba bão táp của cuộc đời.





HV.


Tác giả gửi www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')